“Chỉ cần qua Úc là dễ có việc làm, lương cao, dễ sống, chỉ cần học 1 ngày/tuần và chỉ cần ở vài năm học xong là có thể lấy quốc tịch Úc” – đó là những “biểu ngữ” chung từ những địa chỉ tư vấn du học di trú ma nhằm mục đích chiêu sinh và ăn tiền du học sinh và gia đình của họ.
“Chỉ cần qua Úc là dễ có việc làm, lương cao, dễ sống, chỉ cần học 1 ngày/tuần và chỉ cần ở vài năm học xong là có thể lấy quốc tịch Úc” – đó là những “biểu ngữ” chung từ những địa chỉ tư vấn du học di trú ma nhằm mục đích chiêu sinh và ăn tiền du học sinh và gia đình của họ.
Không ít người chia sẻ rằng họ bị đưa vào bẫy của các luật sư hay đại diện di trú ngay từ lúc còn ở Việt Nam.
Vài trường hợp đáng tiếc hơn khi sang đến Úc phát hiện mình bị lừa, các nạn nhân mất phương hướng và lo sợ khi bị đem con bỏ chợ nơi xứ người.
Sau đó, các bạn lại tiếp tục bị dẫn dắt đến những địa chỉ tư vấn ma khác, nghe theo lời đường mật của họ, để rồi đối mặt với những kết cục đau lòng như sống chui tại Úc hay bị trục xuất về Việt Nam.
Khi visa du học Úc dễ có hơn
Trong vài năm gần đây, chính sách xét duyệt visa du học sinh đã có nhiều thay đổi. Chính phủ Úc ngày càng ưu tiên và giảm nhẹ các yêu cầu khi cấp Student Visa (với subclass 500), là loại visa phổ biến với các du học sinh tại đất nước chuột túi.
Nhiều bạn được cấp Visa du học bậc cử nhân, cao học và càng dễ dàng hơn khi đăng ký vào các trường Đại học bậc I (là những trường không cần chứng minh khả năng tiếng Anh và chứng minh tài chính.)
Tuy nhiên, một số đại diện tư vấn du học đã sử dụng chính sách này sai mục đích và gây hại đến sinh viên.
Các bạn sinh viên lúc ở Việt Nam được tư vấn rằng chỉ cần qua Úc là dễ có việc làm, lương cao, dễ sống, chỉ cần học 1 ngày/tuần và chỉ cần ở vài năm học xong là có thể lấy quốc tịch Úc.
Với sự nhiễu loạn thông tin về thị trường du học như hiện nay, có rất nhiều du học sinh và phụ huynh mong muốn cho con em đi du học đã nghe theo các luật sư và đại diện tư vấn “dỏm” để rồi bị lừa đảo và khi đặt chân sang đến Úc thì đã quá muộn. Việc này ảnh hưởng đến tài chính gia đình và nhất là tương lai của các bạn sinh viên.
Vài bạn chỉ biết chấp nhận chịu đựng, nghĩ rằng học xong 1 năm 2 năm rồi tìm cách khác và thông thường các bạn sẽ tìm đến các đại diện tư vấn để xin đổi trường, đổi ngành.
Trong quá trình này, những địa chỉ không chân chính lại đưa ra những “kế sách” hấp dẫn khác nhằm mục đích chiêu sinh.
Một ví dụ là công ty tư vấn khuyến khích khách hàng đăng ký vào học các trường trung cấp, cao đẳng nghề và nói rằng sinh viên chỉ cần học ít ngày, học phí rẻ và được đóng theo tháng. Ngoài ra khi học xong còn có thể gia hạn visa tiếp.
Cái lợi trước mắt về tài chính và thủ tục nhập học đã làm ảnh hưởng đến quyết định của sinh viên. Sự thiếu hiểu biết về thông tin cũng như cảm giác lo lắng hoang mang bị về nước lại khiến các bạn “phóng lao theo lao”, trao gửi hồ sơ mình và chung tiền theo yêu cầu của đại diện di trú.
Tuy nhiên, khi được hỏi, đa số các nạn nhân lại không lường được tác hại về sau lên hồ sơ du học của chính mình.
Khi ham những món hời
Rủi ro lớn nhất là sinh viên có thể bị hủy visa và trục xuất khỏi nước Úc. Điều này nhiều địa chỉ tư vấn bỏ qua và cố tình “làm ngơ” khi chiêu dụ du học sinh.
Một thời gian sau khi làm hồ sơ theo các công ty tư vấn “dỏm”, các sinh viên có thể vi phạm điều khoản visa và nhận được thư báo nguy cơ bị hủy visa từ Bộ Di Trú với tiêu đề “Notice of Intention to Consider Cancellation”.
Hay những trường hợp khác khi nghe lời tư vấn nộp visa theo học tại trường mới không thỏa mãn yêu cầu visa, họ sẽ nhận được thông báo “Not satisfied that the applicant intends genuinely to stay temporarily in Australia”.
Nguyên nhân chính thường dẫn đến những trường hợp này có thể kể đến là:
Chuyển khóa học từ cấp cao hơn xuống cấp thấp hơn (ví dụ Chuyển từ bậc Bachelor xuống bậc Diploma).
Thời gian trống giữa các khóa học quá nhiều (Study gap).
Không tham dự đủ các lớp học theo yêu cầu (Attendance).
Sự khác biệt về yêu cầu giấy tờ visa giữa cấp bậc học và cấp bậc trường học (Evidentiary requirement).
Ngành học không phù hợp và không có lí do thuyết phục (GTE).
Anh Leo Vương (Tư vấn du học tại S&W Consulting Group) cho biết đã gặp rất nhiều trường hợp như trên.
“Phần lớn các bạn đều bắt đầu học tại các trường đại học lớn và sau một hoặc hai học kỳ sẽ nghe lời các địa chỉ thiếu uy tín để làm hồ sơ chuyển qua các trường cao đẳng. Những hồ sơ này thường được chuyển vào các khóa học chứng chỉ III, IV và Diploma cùng ngành. Các khóa học này thường có chi phí rẻ hơn, học ít ngày và bài tập cũng phần nào dễ hơn. Tuy nhiên, vô tình các bạn đã chuyển từ một bằng đại học (AQF Level 7) xuống khóa học chứng chỉ hoặc Diploma (AQF Level 3,4,5). Điều này không tuân thủ theo điều kiện 8202 của Bộ Di Trú, là một trong những điều kiện bắt buộc để các bạn được phép duy trì thị thực du học của mình.”
Tham khảo Australian Qualifications Framework: https://www.aqf.edu.au/aqf-qualifications
Điều kiện 8202 này có 3 điểm chính:
Bạn phải ghi danh tham gia khóa học được đăng ký có tên trong danh sách các Trường và Khóa học dành cho Du học sinh của Chính phủ Liên Bang
Bạn phải duy trì khóa học ở cùng trình độ hoặc cao hơn so với khóa học đã đăng ký trước đó tương đương với visa du học đã được cấp.
Bạn phải duy trì mức độ tham dự buổi học, khóa học theo yêu cầu của trường
Qua lời kể của những nạn nhân đã làm việc với những địa chỉ tư vấn không chân chính, khi các bạn đang chật vật với visa không hợp lệ của mình thì các đại diện tư vấn đó sẽ hưởng được hoa hồng từ khóa học của bạn và phủ nhận trách nhiệm với hồ sơ.
Đem con bỏ chợ
Lý do đưa ra là công ty tư vấn du học chỉ có trách nhiệm làm thủ tục nhập học chứ không có nghĩa vụ và quyền hạn để giúp học sinh xử lý các vấn đề về visa.
Vì vậy, những trường hợp đáng tiếc xảy ra hy vọng sẽ là bài học để giúp các du học sinh đừng vì cái lợi trước mắt mà đánh mất tương lai, tiền bạc cũng như con đường ở lại Úc.
Mỗi người có những hoàn cảnh khác nhau. Tuy nhiên, các bạn hãy lưu ý rằng vấn đề về học phí thấp và lịch học giảm tải vẫn có thể được giải quyết dành cho những khóa học cùng cấp cử nhân, cùng cấp cao học giữa các trường nhưng tuyệt đối không phải là chuyển xuống những bậc thấp hơn.
Để tránh các trường hợp bị hủy visa oan uổng, các du học sinh hãy sáng suốt tìm hiểu thật kỹ địa chỉ tư vấn uy tín, có kinh nghiệm và đáng tin cậy để trao gửi hồ sơ của mình.
Các tư vấn viên có đạo đức và kinh nghiệm tốt sẽ giúp tư vấn chính xác, định hướng và xây dựng lại lộ trình đảm bảo cho con đường du học Úc và ở lại Úc của các bạn một cách chân chính, hợp pháp và tiết kiệm nhất.
Bên cạnh đó, đừng quên trang bị riêng cho mình những kiến thức căn bản về luật di trú và các visa có liên quan để tự bảo vệ mình.
Chính phủ Úc thường xuyên cập nhật những thay đổi về chính sách dành cho sinh viên trên trang http://www.australia.gov.au/ để các bạn bảo đảm duy trì thị thực của mình tại Úc hợp pháp và tránh mắc bẫy những kẻ xấu lợi dụng. (Theo SBS)
Bạn đang có bất kỳ thắc mắc gì về du học Úc, hoặc cần tìm kiếm cho mình một trung tâm tư vấn du học Úc uy tín hãy liên hệ với chúng tôi để được trang bị những hành trang đầy đủ nhất trước khi bắt đầu đặt chân tới đất nước Úc xinh đẹp.